Tin tức

Ông Trương Gia Bình: Không theo kịp “bão IoT”, sẽ bị cuốn đi

09/11/2015 | 12:07
Với vai trò là chủ tịch một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tiềm năng và xu hướng IoT ở trong nước và trên thế giới? Tác động của nó đến giới công nghệ trong thời gian tới?
 
IoT sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện nay có khoảng 8 tỷ các thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị.
 
Trên thế giới đã hình thành các liên minh IoT như liên kết quốc tế giữa các khu vực (EU - Hàn Quốc, EU - Trung Quốc, EU - Nhật Bản…), liên minh các hãng (Intel, Samsung, Dell, Broadcom,..).
 
Tại Việt Nam, S.M.A.C với Social (mạng xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Một số ý tưởng và sản phẩm về IoT đã bắt đầu xuất hiện như nhà thông minh, các thiết bị điều khiển trong gia đình, giao thông… Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất ít. Có một thực tế là nhiều bạn trẻ tham gia cuộc thi “Viết ứng dụng công nghệ S.M.A.C Challenge” do FPT tổ chức - khi được hỏi về IoT - đều khá bỡ ngỡ và chưa biết tới xu hướng này.
 
Gần đây, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, đáng chú ý là việc phê duyệt đề án Đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về CNTT và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…
 
Điều này kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt trong việc nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm công nghệ theo xu hướng mới, trong đó có IoT.
 
IoT là một xu thế công nghệ đầy tiềm năng và không thể đảo ngược. Việt Nam cần phát triển IoT, không thể đứng ngoài cuộc chơi chung của toàn cầu. Những công ty đứng ngoài xu hướng này sẽ khó có thể tồn tại.
Ông Trương Gia Bình cho biết, FPT hiện đang đẩy mạnh IoT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Lê Loan
Ông Trương Gia Bình cho biết, FPT hiện đang đẩy mạnh IoT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Lê Loan
 
Thưa ông, FPT quan tâm thế nào đến việc triển khai các dịch vụ IoT và có chiến lược gì để tận dụng làn sóng IoT hay chưa?
 
Chúng ta đang đứng trước “cơn bão IoT”, nếu không theo kịp, sẽ bị nó cuốn đi. FPT cũng không nằm ngoài sự chuyển đổi mạnh mẽ ấy. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu một số giải pháp về IoT như thành phố thông minh (smart city); giao thông thông minh (các hệ thống quản lý cơ bản như hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, hệ thống quản lý container, bảng hiệu thông báo, nhận dạng biển số tự động…); trung tâm điều khiển thiết bị gia đình (smart home), xây dựng nền tảng cung cấp các dịch vụ giải pháp cho IoT… Đặc biệt, hiện nay FPT đang bắt đầu triển khai các dự án IoT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
 
Trong giai đoạn 2015-2017, FPT mong muốn đi tiên phong trong cuộc cách mạng Smart (thông minh) thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ S.M.A.C vào các hoạt động quản trị và kinh doanh cũng như cung cấp dịch vụ mới cho khách hàng. FPT kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng S.M.A.C vào hoạt động kinh doanh đạt 70%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu từ cung cấp các dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ S.M.A.C cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu đạt 100%/năm; chuyển đổi tối đa hệ thống thông tin của FPT lên nền tảng S.M.A.C.
 
Tại Việt Nam, Intel là một trong những công ty dẫn đầu về mức độ quan tâm và đầu tư cho IoT. Họ có tham vọng kết nối các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam để tạo ra hệ sinh thái và cùng nhau phát triển nền tảng IoT theo kiểu Việt Nam. FPT và Intel là đối tác chiến lược ở nhiều lĩnh vực. Liệu FPT có kế hoạch tham gia liên minh IoT với Intel?
Việc Intel sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường IoT Việt Nam là một tín hiệu vui. FPT và Intel đã có một số trao đổi về các giải pháp IoT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về các giải pháp IoT mà Intel đề xuất. Hi vọng hai bên sẽ có được sự hợp tác để cùng phát triển IoT.
 
Để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ IoT không chỉ cho nội địa mà có cơ hội xuất khẩu IoT sang các nước khác, theo ông về chính sách cần làm gì ?
 
Để tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ IoT, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các công ty làm về IoT, đặc biệt là cung cấp phần cứng. Hiện một số start-up làm IoT đang phải nhập một số linh kiện với mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ, môtơ động cơ 1 chiều có thể bị áp mức thuế 30%. Do đó, tôi nghĩ cần có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu các thiết bị sản xuất IoT cho các doanh nghiệp CNTT.
 
Cần có các trung tâm hỗ trợ start-up làm về IoT để khuyến khích tinh thần sáng tạo của các bạn trẻ. Tại các trung tâm này, Nhà nước có thể đầu tư thiết bị để các bạn trẻ có thể nghiên cứu, phát triển ý tưởng IoT. Hàn Quốc đang làm việc này rất tốt. Với khẩu hiệu “IoT - năng lượng để thay đổi thế giới”, họ thường xuyên có những tuần lễ IoT, tại đó có các khu lắp thiết bị trải nghiệm để giới trẻ tìm hiểu và phát triển các ý tưởng về IoT. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẵn sàng trao thưởng hàng trăm triệu won (hàng trăm ngàn USD) cho các ý tưởng sáng tạo về IoT.
 
Chúng ta cần phải có chính sách, có các quy định phù hợp để tạo ra một môi trường sáng tạo về khởi nghiệp. Các chính sách về đào tạo và ưu đãi nói chung để khởi nghiệp là rất cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các chính sách để thu hút tốt hơn nữa những nhà đầu tư. Hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm của Đông Nam Á rất sôi động; tuy nhiên, họ chưa vào Việt Nam nhiều bởi lẽ thủ tục của chúng ta còn rườm rà, kéo dài. Với các quỹ đầu tư mạo hiểm, quyết định đầu tư và rút lui là chớp nhoáng nên cần có các chính sách phù hợp để thu hút họ.
 
Theo ông, lĩnh vực nào trong xu hướng IoT có tiềm năng phát triển nhất tại Việt Nam?
 
Tôi nghĩ trong tương lai, xu hướng IoT sẽ bùng phát lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nó sẽ tạo ra một phương thức nông nghiệp mới là nông nghiệp số, các thiết bị sẽ được điều khiển bằng điện thoại di động, dữ liệu lớn…; các thiết bị đo (sensor) sẽ liên tục cập nhật thông tin giúp con người có thể tối ưu hóa điều kiện nuôi trồng, canh tác. Công nghệ sẽ tạo ra năng suất vượt trội. Theo tôi được biết, ở Nhật họ đã dỡ một nhà máy sản xuất chip điện tử để trồng xàlách vì nó có năng suất và hiệu quả cao hơn.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Xu hướng phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin
 
Ông Trương Gia Bình cho biết khi xu hướng điện toán đám mây phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về thiết bị trong nhiều lĩnh vực sẽ giảm. Các hãng công nghệ thế giới buộc phải chuyển mình để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, việc thay đổi, chuyển mình theo xu hướng mới là không hề đơn giản.
 
“Hiện tại, nhiều hãng công nghệ thế giới đã xây dựng chiến lược theo hướng lấy con người làm trung tâm, phục vụ con người tốt nhất. Vấn đề sức khỏe, thực phẩm ăn uống, ngôi nhà thông minh… sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các start-up sẽ bùng phát mạnh mẽ” - ông Trương Gia Bình cho biết.
Việt Anh (Thực hiện)