Nhà thông minh

Nhà thông minh trong tương lại kết nối robot và thiết bị

17/10/2016 | 14:31

Với công nghệ hiện nay đang cố tạo ra các thiết bị dân dụng để hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc căn nhà của mình. Khái niệm Nhà thông minh bản chất là việc tích hợp hoàn toàn các hệ thống gia dụng như an ninh, điện, điều hòa không khí, tủ lạnh, TV, máy rửa bát, và các thiết bị điện tử khác dựa trên cổng thông tin hoặc điều khiển từ xa bằng một thiết bị duy nhất. Những công nghệ phổ biến nhất hiện nay tập trung vào việc kiểm soát, tự động hóa nhà thông minh.

Những ứng dụng đó bao gồm:

  • Hệ thông an ninh và khóa cửa tự động kiểm soát bởi smartphone hoặc một thiết bị điện tử khác;
  • Nhiệt độ và điều hòa không khí;
  • Thiết bị giám sát tiêu thụ năng lượng;
  • Hệ thống giải trí;
  • Hệ thống chiếu sáng thông minh;
  • Hệ thống nhận diện người và phương tiện
  • Hệ thống giám sát vật nuôi và môi trường

Những tính năng điển hình khác của nhà tự động thông minh bao gồm khả năng truyền video, âm thanh từ phòng này sang phòng khác và thông báo được gửi từ nhà đến thiết bị di động của chủ nhà trong trường hợp xuất hiện những tình huống đột xuất. Một câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ cần tất cả những thứ đó trong ngôi nhà hay tích hợp mọi thứ vào một robot duy nhất.

Cuộc sống của chúng ta sẽ được hỗ trợ đầy đủ với một cổng thông tin thông minh như Jarvis, máy tính đầy cảm xúc được hư cấu trong phim "Iron Man" đã giúp Tony Stark điều khiển từ xa các tiện ích của mình? Hoặc sẽ có một robot giúp việc luôn hiện diện để làm sạch, nấu ăn và chăm sóc ngôi nhà như trong các câu chuyện viễn tưởng.

 

Nhà thông minh hay người giúp việc robot?

 

Xu hướng kết nối thông minh trong căn nhà

Hiện tại người dùng vẫn chưa thể hiện rõ điều mình muốn với một ngôi nhà thông minh. Điều này sẽ thay đổi trong tương lai, khi công nghệ phát triển, giá thành giảm, còn trong thời điểm này thì mọi người đang tìm kiếm các sản phẩm có kết nối mạng để cố gắng làm ngôi nhà trở nên thông minh hơn.

Các công ty công nghệ cao - từ những nhà khổng lồ như Google và Apple đang tập trung vào xu hướng nhà thông minh thay cho những nỗ lực mới trong cuộc chiến di động. Công ty chuyên cung cấp hệ thống mạng Cissco đã ước tính sẽ có 50 tỷ sản phẩm được kết nối Internet vào năm 2020 và trong thập kỷ tiếp theo Internet of Things sẽ tạo ra 19 nghìn tỷ USD lợi nhuận.

Nhà thông minh đang được quan tâm bởi rất nhiều người dùng nhưng vào năm 2013 thì số liệu cho thấy 35% người được khảo sát cho rằng họ chỉ quan tâm đến hệ thống quản lý năng lượng kĩ thuật số mặc dù chỉ 2% trong số đó thực sự đưa vào ứng dụng. Hệ thống an ninh trong nhà cũng được 34% người quan tâm nhưng cũng chỉ 5% ứng dụng.

 

 

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam thì hãng điển tử đến từ Hàn Quốc này đang có rất nhiều hoạt động trọng đầu tư vào lĩnh vực “The Internet of Things” (IoT). Theo kế hoạch của Samsung, dự kiến đến năm 2017, tất cả TV mà hãng sản xuất sẽ được tích hợp IoT, và đến năm 2020 thì 100% sản phẩm sẽ được thiết kế phần cứng theo IoT. Đặc điểm của các thiết bị “IoT” của Samsung là theo chế độ mở, cho phép kết nối dễ dàng đến thiết bị của các hãng khác. Với hệ sinh thái SmartThings, Samsung sẽ tiếp tục giữ cho hệ này có cơ cấu nền tảng mở, tương thích với mọi thiết bị khác dễ dàng.

Một nhà cung cấp lớn khác của ngành thiết bị điện tử tiêu dùng cũng đang nỗ lực đẩy mạnh công nghệ nhà thông minh. Ông Do Wan Kim - Giám đốc ngành hàng điện của LG Việt Nam, cho biết: hãng công nghệ LG đang tập trung vào các tiện ích cuộc sống dựa trên hệ thống sinh thái công nghệ. LG đã áp dụng chức năng điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, có thể tương thích với tất cả các thiết bị gia dụng mà hãng sản xuất. Đây là một giải pháp tổng thể dành cho toàn bộ hệ thống sinh thái điện tử xung quanh người dùng. LG tập trung mang lại sự tiện nghi cho người dùng thông qua công nghệ và thiết kế. Smarthome cũng giải pháp mà LG dùng để mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dùng. Như một xu hướng, dòng thiết bị này sẽ trở nên phổ biến với hầu hết người tiêu dùng sớm.

Khi Apple ra mắt iPhone, một trong những tính năng mới nhất của nó là màn hình cảm ứng và không còn bàn phím vật lý. Doanh số bán hàng của thiết bị tăng nhanh và trong vòng một vài năm, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại thông minh màn hình cảm ứng khác đều đi theo hướng của Apple. Nhưng dường như đây không phải là cách mà ngành công nghiệp nhà thông minh có thể giải quyết mặc dù đã có nhiều thập kỷ tranh luận.

Một nghiên cứu gần đây của Microsoft đã chỉ ra 4 rào cản khi áp dụng rộng rãi nhà thông minh, bao gồm sự khác biệt về kết nối, quản lý kém, chi phí cao và khó khăn trong việc tích hợp hệ thống an ninh. Thị trường nhà thông minh hiện nay đang bị phân mảnh, nhiều nhà sản xuất đang cạnh tranh nhằm phát triển hệ thống nhà thông minh với những nền tảng công nghệ khác nhau. Nếu có thể dễ dàng tích hợp các thiết bị được thực hiện bởi một nhà cung cấp duy nhất và đáp ứng được việc thay thế, sửa chữa, thì tích hợp thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau thường dẫn đến nhiều hạn chế chức năng và dịch vụ. Hơn nữa, nhiều hệ thống trên thị trường có giao diện phức tạp cũng làm hạn chế đến chức năng của nhà thông minh.

Cuối cùng, hệ thống nhà thông minh dựa trên nhu cầu từng ứng dụng đôi khi rẻ hơn so với các hệ thống tích hợp hoàn chỉnh, nhưng điểm yếu là chức năng có phần hạn chế hơn. Còn hệ thống

tương đối đắt tiền thường đòi hỏi cần có chuyên gia tư vấn để cài đặt, và thay đổi cấu trúc nhà. Một hệ thống như vậy sẽ tốn từ 10 -100 ngàn USD và thường nằm ngoài phạm vi chi tiêu của người dùng bình dân. Tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh như bây giờ thì có thể một ngày không xa tất cả mọi thứ trong nhà của bạn đều có thể kết nối với nhau với chi phí phù hợp. Các thiết bị kết nối với nhiều tính năng hơn, không còn giới hạn bởi nền tảng kết nối được thống nhất và đáp ứng được tiêu chuẩn của một ngôi nhà thông minh.

Sự trỗi dậy của robot

 

Khi nói về robot trong nhà, bạn có thể liên tưởng đến cỗ máy là có thể làm hầu hết các việc trong nhà từ giặt giũ, lau dọn cho đến cả nấu ăn… Điều này đang dần được hiện thực hóa khi tại CES 2015 vừa rồi đã xuất hiện hàng loạt robot đầy sáng tạo. Trong số đó có những robot có thể đi lại trong nhà, được điều khiển qua Internet sẽ giúp bạn lấy đồ uống từ tủ lạnh…

Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) cho biết sẽ có khoảng 31 triệu robot phục vụ cho các nhu cầu cá nhân được bán ra trong giai đoạn giai đoạn 2014-2017. Trong đó doanh số bán hàng của tất cả các loại của robot cho công việc nội trợ, có thể đạt gần 23,9 triệu đơn vị với giá trị ước tính 6,5 tỷ USD. Ngoài loại robot nội trợ này thì còn các sản phẩm dân dụng khác như robot đồ chơi, robot hỗ trợ người già và tàn tật cũng sẽ có sự gia tăng đáng kể trong thời gian tới.