5 Thành phố thông minh nhất thế giới đáng để sống
Công ty nghiên cứu thị trường Juniper Reasearch (Anh) gần đây đã trao tặng danh hiệu “Thành phố thông minh nhất thế giới” cho Singapore sau khi xem xét hàng loạt dữ liệu liên quan đến thành phố này. Để đưa ra kết luận như vậy, các nhà nghiên cứu tại Juniper đã xếp hạng các thành phố theo một loạt yếu tố bao gồm việc ứng dụng các công nghệ lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh, việc sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện giao thông, các điểm truy cập Wi-Fi, độ phổ cập của smartphone và các ứng dụng.
Xem thêm :
“Về ứng dụng phần mềm, chúng tôi nhìn vào các ứng dụng giao thông và ứng dụng cung cấp thông tin về thành phố giúp mở rộng nguồn dữ liệu mở”, ông Steffen Sorrell, chuyên viên phân tích cao cấp tại Juniper Research cho biết. “Chúng tôi ứng dụng nhiều thước đo khác nhau để đánh giá về giao thông cũng như năng lượng mà chúng tôi tin rằng đây là những yếu tố quan trọng nhất của các thành phố thông minh”. Để đánh giá giao thông, nhà phân tích Juniper tính điểm những lựa chọn giao thông công cộng trừ bớt điểm của những thành phố có nhiều phương tiện giao thông cá nhân. Khi đánh giá lỗ lực của các thành phố trong việc cải thiện giao thông, những chuyên gia này đánh giá cả nỗ lực của những nhà quy hoạch thành phố để cải thiện tình trạng tắc nghẽn, chiếu sáng giao thông động, cảm biến trên đường và đỗ xe thông minh.
Cuối cùng, Juniper Research nghiên cứu nền kinh tế của các thành phố lớn trên thế giới áp dụng sáng kiến thành phố thông minh. Sorrell cho biết: “Không phải tất cả các thành phố đều có một ngân sách dành cho thành phố thông minh. Thế nên chúng tôi nhìn vào kết quả kinh tế của những thành phố này và giả thuyết rằng kết quả đó sẽ giúp các cơ quan quản lý ở địa phương chi trả cho những công nghệ thành phố thông minh trong tương lai.
1. Singapore
Trong một chương trình do Thủ tướng Lý Hiển Long phát động vào cuối năm 2014, Singapore đã cho lắp đặt rất nhiều các bộ cảm biến và camera trên khắp quốc đảo để theo dõi mọi thứ từ độ sạch cho đến giao thông. Số lượng cảm biến được lắp đặt trên quốc đảo này là rất lớn. Thành phố có khả năng phát hiện ra nếu có bất cứ ai hút thuốc ở khu vực cấm hút hoặc ném rác ra đường từ những tòa nhà cao tầng. Thế nhưng, khi ngày càng có nhiều dữ liệu thì Singapore có thể đưa khái niệm “thành phố thông minh” lên một tầm cao mới.
Juniper Reseach dành cho Singapore số điểm cao nhờ các chính sách và công nghệ di động thông minh cũng như khả năng kết nối không dây. Năm 2014, thành phố này thông báo mình đang phát triển một phần mềm với tên gọi “Singapore Ảo”. Đây là một model 3D động cho phép các nhà quy hoạch thành phố chạy các thử nghiệm xác thực ảo, ví dụ như để xem đám đông sơ tán từ một khu vực gặp tình trạng khẩn cấp như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn với WSJ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao của Singapore và cũng là Bộ trưởng phụ trách chương trình Quốc gia thông minh đã tuyên bố rằng vấn đề an ninh và bảo mật là những quan ngại chính khiến chính phủ đau đầu và chính phủ sẽ đảm bảo các dữ liệu được ẩn danh khi có thể. Tuy nhiên rất nhiều dữ liệu đã được chính phủ công khai, ví dụ như người dân có thể xem video theo dõi để kiểm tra việc đỗ xe...
Singapore đã tích cực triển khai thu phí ùn tắc và dành khoản tiền này để đầu tư vào các cảm biến lắp đặt trên đường, đèn giao thông chia pha và đỗ xe thông minh. Đây cũng không phải là một điều gì quá ngạc nhiên và mới mẻ tại Singapore vì từ năm 1970, quốc gia này đã bắt đầu đưa ra sáng kiến để xử lý vấn đề ùn tắc. Trong tương lai gần, những chiếc xe tự lái sẽ xuất hiện tại quốc gia này.
Singapore là quốc gia có tỷ lệ phổ cập smartphone rất cao. Hãng viễn thông Singtel gần đây cũng tuyên bố hãng đang triển khai các dịch vụ băng thông rộng quang 10Gbps cho phép tải cả một bộ phim HD dài 2 tiếng chỉ trong 90 giây. Theo ông Sorrell thì mạng Internet tại đây thuộc hàng rẻ nhất tính theo chi phí của từng băng thông rộng trên đơn vị tiền tệ.
2. Barcelona
Barcelona sử dụng rất nhiều cảm biến để giám sát và quản lý giao thông. Các nhà quy hoạch thành phố gần đây đã công bố kế hoạch thay đổi luồng giao thông và dự kiến giảm bớt 21% lưu lượng giao thông. Thành phố này không chỉ sử dụng công nghệ thành phố thông minh để giảm lưu lượng mà còn phát triển nhiều công nghệ đỗ xe thông minh, chiếu sáng thông minh, cảm biến để đo chất lượng không khí và tiếng ồn. Barcelona cũng mở rộng mạng Wi-Fi miễn phí tại các địa điểm công cộng. Trong nghiên cứu của Juniper, thành phố này được khen ngợi vì những dự án bền vững môi trường và thậm chí còn tốt hơn cả New York City hay Luân Đôn.
Theo Sorrell: “Điểm mạnh của Barcelona là năng lượng bền vững, các dự án lưới điện thông minh, đo đạc thông minh và kế hoạch toàn diện giúp giảm rác thải khí carbon và trên hết là việc đưa ra một hệ thống chiếu sáng LED thông minh”.
Barcelona cũng là thành phố tiên phong trong giải quyết hạn hán. Cách đây vài năm, thành phố bị thiếu nước, thế nên Barcelona đã phát triển một hệ thống cảm biến thành phố thông minh chuyên cho tưới tiêu. Các cảm biến ở dưới đất sẽ phân tích lượng mưa cùng với lượng mưa dự kiến dựa trên dự báo thời tiết để điều chỉnh vòi phun nhằm giữ nước.
Thành phố đưa cảm biến Sentilo và nền tảng vận hành này lên mạng. Bạn có thể tham khảo về nền tảng phần mềm mã nguôn mở này trên Github.
3. Luân Đôn
Luân Đôn từ lâu luôn được xếp hàng đầu trong danh sách những thành phố thông minh trên thế giới. Thành phố này sớm áp dụng công nghệ để xử lý ách tắc giao thông và khiến cho việc đỗ xe trở nên đơn giản hơn. Là một trong những trung tâm công nghệ của thế giới, Luân Đôn có hệ thống băng thông rộng rất phát triển. Gần đây, các nhà quy hoạch thành phố đã công bố kế hoạch triển khai công nghệ thông tin để giảm ách tắc. Luân Đôn cam kết công bố công khai dữ liệu thành phố thông minh thông qua Luân Đôn Datastore. Sorrel cho biết: “Ví dụ, Luân Đôn đã phát triển một ứng dụng dựa trên các dữ liệu mở, bạn có thể cho ứng dụng biết mình đang ở đâu và ứng dụng sẽ chỉ cho bạn lộ trình cần thiết". Mặc dù được điểm rất cao ở nhiều lĩnh vực nhưng Luân Đôn bị hạ bậc vì dựa nhiều vào nguồn năng lượng không sạch.
Thế nhưng, Luân Đôn chi rất mạnh tay để áp dụng công nghệ giải quyết các vấn đề giao thông. Luân Đôn vừa tuyên bố sẽ bỏ ra 4 tỷ bảng đề đầu tư vào các hệ thống đường giao thông trong thập kỷ tới trong đó có 200 triệu bảng đầu tư vào mạng lưới xe buýt. Hiện thành phố cũng đầu tư rất nhiều vào công nghệ giao thông thông minh. Không chỉ có đèn giao thông có khả năng dành quyền ưu tiên cho xe buýt để giúp quá trình lưu thông trơn tru hơn mà phí tắc đường cũng được áp dụng từ năm 2003.
4. San Francisco
San Francisco, thành phố bên bờ vịnh, là địa điểm đầu tiên ở Bắc Mỹ áp dụng công nghệ thành phố thông minh. Sáng kiến Thành phố kết nối của San Francisco khuyến khích các công dân tìm chỗ đỗ xe. Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra những sáng kiến phát triển bền vững các khu đô thị một cách thông minh. Đây là thành phố có số lượng tòa nhà được chứng nhận tòa nhà xanh (LEED) tại Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc bùng nổ công nghệ gần đây đã làm ảnh hưởng đến giao thông thành phố. Thị trưởng của thành phố, ông Ed Lee thì tự tin rằng thành phố có thể vượt qua vấn đề và biến San Francisco thành mô hình quốc gia về “giao thông thông minh”.
Mạng lưới giao thông công cộng tại San Francisco mặc dù đã lâu đời những vẫn hoạt động rất tốt tại một số khu vực, theo nghiên cứu của Juniper. “Thành phố đạt điểm cao về độ phổ cập của xe buýt. San Francisco có hệ thống thanh toán tốt. Bạn có thể thanh toán online, thanh toán không cần tiếp xúc”, Sorell cho biết. Tuy nhiên, thành phố gặp nhiều vấn đề về ách tắc giao thông, điều này đang trở nên trầm trọng hơn do cuộc bùng nổ công nghệ khiến điểm số của thành phố giảm đi.
Nhưng San Francisco lại là thành phố đi đầu trong lĩnh vực đỗ xe thông minh. Sáng kiến đỗ xe SF, được tung ra năm 2011, đã đẩy mạnh việc dùng cảm biến để quản lý các bãi đỗ xe. San Francisco sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh giá các bãi đỗ xe dựa trên số lượng vị trí đỗ còn trống nhiều hay ít.
5. Oslo
Thủ đô của một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Oslo thường xuyên nằm trong danh sách đề cử những thành phố thông minh nhất thế giới. Thành phố đã đạt được nhiều bước tiến trong việc sử dụng công nghệ thông tin để cắt giảm năng lượng tiêu thụ và phác thải khí nhà kính. Giống như nhiều thành phố thông minh khác, Oslo đã cài đặt các thiết bị cảm biến để hỗ trợ việc đỗ xe. Thành phố cũng thiết lập một mạng lưới cảm biến để giúp cải thiện việc chăm sóc cho những người già và ốm đau. Oslo đã xây dựng một mạng lưới chiếu sáng thông minh giúp giảm năng lượng tiêu thụ xuống gần 2/3.
Oslo là một trong những thành phố đầu tiên tại các quốc gia Bắc Âu áp dụng dịch vụ lưới điện thông minh và đã triển khai thử một số dự án lưới điện thông minh. Đây cũng là thành phố có một mạng lưới sạc cho xe điện hoàn thiện.
Thành phố gây được ấn tượng nhờ những kế hoạch cắt giảm khí thải carbon quyết liệt và còn lên kế hoạch cấm các phương tiện giao thông công cộng vào cuối thập kỷ này. Hiện tại, thành phố vẫn còn lượng phương tiện tư nhân cao.
Oslo bắt đầu triển khai các hệ thống chiếu sáng LED thông minh và đưa ra các mạng lưới cảm biến rộng để quản lý lưu lượng giao thông. Sorrell cho biết: “Thành phố có các ứng dụng đỗ xe thông minh và cho phép thanh toán bằng di động”.