Tin tức

Thiết bị thông minh làm trẻ em mất ngủ

14/11/2016 | 15:26

Ngủ kém ngon vì smartphone

Nghiên cứu trên lấy cảm hứng từ một công trình khác với kết luận 72% số trẻ em và 89% số thanh thiếu niên sử dụng tối thiểu một thiết bị thông minh như tablet, smartphone trong phòng ngủ. Hầu hết trong số này sử dụng chúng cho đến khi sát giờ đi ngủ.
 
Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, các nhà khoa học đã xem xét 20 công trình từ bốn châu lục, thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến hơn 125.000 trẻ em từ 6-19 tuổi, trung bình là 15.
 
Tổng hợp các nghiên cứu này, họ nhận thấy việc sử dụng thiết bị di động thông minh trong khi đi ngủ có liên quan tới những thay đổi tiêu cực ở trẻ em như ngủ không ngon giấc và không đủ giấc, dẫn đến buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
 
Theo các nhà nghiên cứu, những đứa trẻ sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng trong một khoảng thời gian trước khi đi ngủ sẽ có nguy cơ gián đoạn giấc ngủ, mất ngủ tăng gấp đôi so với những đứa trẻ không sử dụng loại thiết bị này.
 
 
Việc sử dụng các thiết bị thông minh trước khi ngủ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của trẻ. 
 
Trong nghiên cứu, khái niệm “sử dụng trước khi đi ngủ” được định nghĩa là việc dùng thiết bị thông minh ít nhất 90 phút trước khi ngủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chỉ cần có sự hiện diện của một thiết bị thông minh ở phòng ngủ, nguy cơ ngủ không ngon giấc đã gia tăng.
 
Các chuyên gia cho rằng, một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả kể trên là: Bản chất của thiết bị di động là kết nối với các mạng truyền thông xã hội, các ứng dụng tin nhắn tức thời. Điều này có nghĩa là trẻ em vẫn ở trong mối liên kết liên tục với các thiết bị thông minh di động ngay cả khi không chủ động sử dụng chúng.
 
“Do sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị truyền thông di động và việc chúng được sử dụng ở các trường học như một sự thay thế cho sách giáo khoa, các vấn đề về giấc ngủ kém ở trẻ em có thể trở nên tồi tệ” - nhà khoa học Ben Carter - một trong các tác giả của nghiên cứu - cho biết trên tờ Tech Times.
 
Vậy các thiết bị thông minh ảnh hưởng đến tình trạng trẻ ngủ kém ngon giấc theo cơ chế nào? Các nhà khoa học cho rằng các thiết bị, phương tiện truyền thông ảnh hưởng bất lợi đến giấc ngủ thông qua một số cách, giống như kích thích não, làm trì hoãn thời gian ngủ và ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, sinh lý và chu kỳ của giấc ngủ.
 
Lợi ích từ thói quen ngủ đúng giờ
 
Xét về ảnh hưởng sức khỏe, chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em - vốn đã được nhiều nghiên cứu đề cập - sẽ dẫn đến tình trạng ăn uống kém, béo phì, chậm phát triển, làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vậy giấc ngủ như thế nào là tốt cho trẻ?
 
Theo Viện Hàn lâm Y học về giấc ngủ của Mỹ, trong giai đoạn từ 3-4 tuổi, trẻ em nên ngủ ít nhất 13 giờ mỗi ngày, kể cả ngủ trưa. Trong khi đó, trẻ em từ 6-12 tuổi cần khoảng 9-12 tiếng để ngủ mỗi ngày. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, con số này là khoảng 8-10 giờ mỗi ngày.
 
Để giúp trẻ em ngủ ngon hơn, việc duy trì thói quen ngủ khoa học hằng đêm cần được khuyến khích. Đó là khuyến nghị của một nghiên cứu về giấc ngủ trẻ em được thực hiện bởi Jodi Mindell - một Giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Saint Joseph (Mỹ).
 
Theo tạp chí Sleep, nghiên cứu này đã khảo sát 10.000 bà mẹ đến từ hơn 14 quốc gia về quá trình ngủ của con họ qua một bảng hỏi. Kết quả cho thấy khoảng 50% số bà mẹ cho rằng con cái mình không có thói quen ngủ khoa học.
 
Nghiên cứu cho thấy việc rèn thói quen ngủ đúng giờ và đi vào giấc ngủ trong thời gian ngắn (thay vì trằn trọc một lúc lâu mới ngủ) cũng có tác dụng giúp giảm tình trạng mộng du trong đêm và tăng thời gian của giấc ngủ. Thói quen ngủ đúng giờ cũng giúp giải quyết vấn đề khó ngủ.
 
Theo các nhà nghiên cứu, không khó để tạo thành thói quen đi ngủ đúng giờ hằng đêm cho trẻ và gia đình nên tập trung áp dụng sớm.
 
“Các gia đình càng sớm thiết lập thói quen ngủ đúng giờ và thói quan này bắt đầu phát huy tác dụng sớm thì con cái họ càng có thêm nhiều lợi ích từ giấc ngủ ngon. Điều này cũng giống các thói quen lành mạnh khác như: Hoàn thành một việc trong một tuần là tốt, làm việc đó trong ba ngày là rất tốt và làm chỉ trong vòng ngày là tốt nhất” - ông Timothy Morgenthaler - Chủ tịch Viện Hàn lâm Y học về giấc ngủ của Mỹ - cho biết.